Chỉ số TDS trên máy lọc nước là gì?
An Phúc Lộc
CN 18/10/2020
TDS là tổng chất rắn hoà tan tồn tại trong 1 lượng nước nhất định. Tham khảo bài viết sau đây để hiểu hơn về chỉ số TSD trên máy lọc nước, như thế nào là nước sạch và cách kiểm tra chất lượng nước đang sử dụng.
1Các chỉ số TDS trong nước
Chỉ số TDS có đơn vị đo là mg/l (milligram/litter) hoặc ppm (part per million): 1 mg/l = 1 ppm.
Theo các quy định hiện hành của WHO (Tổ chức y tế thế giới), US EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) và cả Việt Nam:
- Chỉ số TDS càng nhỏ thì từ 5 ppm trở xuống thì được xem như là nước tinh khiết, không có chất rắn hoà tan. Với nguồn nước này, khi sử dụng chỉ đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sạch cho cơ thể mà không cung cấp hay bổ sung khoáng chất.
- TDS càng lớn thì nồng độ chất rắn hoà tan trong nước càng nhiều. Bởi vì trong tổng số các chất rắn đó sẽ có chất rắn có lợi và có hại, nên không phải chỉ số TDS càng cao thì sẽ có hại.
Nước cứng là trong 1 lít nước sẽ có chứa từ 170 ppm Ca2+ và Mg2+. Độ cứng của nước được tính bằng tổng hàm lượng Ca2+ và Mg2+. Nếu độ cứng không vượt quá 300 mg/l thì vẫn có thể sử dụng cho sinh hoạt bình thường.
- Nếu dùng nước cứng để ăn uống liên tục trong thời gian dài, có thể dẫn đến 1 số bệnh lý cho cơ thể như: sỏi thận hoặc làm tắc những đường động mạch, tĩnh mạch gây nguy hiểm đến sức khỏe.
- Nếu dùng để pha chế thuốc sẽ gây ra tình trạng kết tủa, làm thay đổi thành phần của thuốc. Khi dùng nước để nấu ăn sẽ làm thức ăn khó chín.
- Khi giặt bằng nước cứng tốn xà phòng do Ca2+ làm kết tủa gốc axit trong xà phòng và làm xà phòng không lên bọt khiến áo quần khó được giặt sạch.
- Các thiết bị công nghiệp khi sử dụng nước cứng sẽ có tình trạng bề mặt bị bám cặn, thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thiết bị.
2Như thế nào là nước sạch, nước an toàn với sức khoẻ
- Để đánh giá nước có sạch hay không, Bộ y tế đã đưa ra tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT. Trong đó có đến 109 chỉ tiêu nồng độ cho phép của các chất có trong nước như: Màu sắc, mùi vị, độ đục, độ pH, độ kiềm - độ cứng, tổng chất rắn hòa tan, các hàm lượng vô cơ và hữu cơ (nhôm, sắt, mangan, thạch tín, cadimi, crom, đồng, chì, kẽm, niken,...), mức nhiễm xạ, vi sinh vật (coliform, ecoli,...)...
- Nước sạch là nước có chỉ số đo dưới nồng độ các chất cho phép của Bộ y tế như đã được ban hành theo thông tư số 04/2009/TT - BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009.
Ngoài ra, bộ còn đưa thêm 21 chỉ tiêu hóa học và 5 chỉ tiêu vi sinh theo chuẩn QCVN 06-1:2010/BYT để đạt thêm tiêu chuẩn nước sạch mà có thể uống trực tiếp ngay được mà không cần phải đun sôi.
3Kiểm tra chất lượng nguồn nước với bút thử TDS và bút điện phân
- Bút điện phân hoạt động với hai điện cực bằng nhôm, hai điện cực bằng sắt. Nếu sử dụng bút bằng điện lưới (220V xoay chiều) thì điện thế một chiều giữa cực nhôm và cực sắt là 220V. Khi điện phân nước, mỗi cặp điện cực nhúng vào một ly.
Khi dòng điện di chuyển giữa các điện cực, nó mang theo các ion kim loại ở trong nước và tạo ra các phản ứng hóa học với các điện cực nhôm và sắt, tạo nên các màu khác nhau. Dựa vào màu sắc này chúng ta có thể phát hiện một số ion kim loại và tạp chất có trong nước như:
+ Chỉ sủi bọt, không có kết tủa, không tạo vẩn: Nước tinh khiết
+ Chỉ sủi bọt, tạo kết tủa trắng: Chứa Ca 2+, Ag+…
+ Màu nâu đỏ, có váng: Chứa nhiều ion Fe 2+, Fe 3+…
+ Màu xanh lơ, có vẩn kết tủa: Chứa nhiều Cu 2+…
+ Màu xám nhạt: Chứa Pb 2+, Hg…
+ Màu nâu đen: Chứa Mn 2+…
- Bút thử chỉ số TDS với nguyên lý hoạt động là dựa vào độ dẫn điện của nguồn nước, để xác định hàm lượng ion chất rắn cũng như khoáng chất, kim loại có ở trong nước.
4Kiểm tra chỉ số TDS trong nước sau khi lọc của máy lọc nước RO
Máy lọc nước RO bao gồm 1 hệ thống từ 5 - 10 cấp lọc, trong đó nước sẽ qua các cấp lọc cơ bản ban đầu để loại bỏ các tạp chất, bụi bẩn, bùn đất… có kích thước lớn. Sau đó, nước này tiếp tục lọc qua màng lọc RO, là màng lọc với các mắt lọc kích cỡ 0,0001 micromet (khoảng 1/10.000 đường kính một sợi tóc của con người).
Với kích cỡ lưới lọc này thì hầu hết các thành phần hóa chất, kim loại nặng, các loại vi khuẩn đều không thể lọt qua màng lọc RO, nhờ đó nước đầu ra sau lọc được xem là nước tinh khiết.
Để kiểm tra chỉ số TDS sau khi qua máy lọc RO thông thường bằng bút thử TDS, sẽ kiểm tra tại 2 vị trí:
- Lấy nước tại bình áp, là nguồn nước sau khi đi qua màng lọc RO. Tiêu chuẩn của nước uống tại vị trí này là vào khoảng 20 ppm là an toàn với cơ thể.
- Lấy nước tại vòi nước tinh khiết. Nếu máy lọc nước nhà bạn có các cấp lọc bổ sung khoáng chất có lợi thì chỉ số TDS ở vị trí này sẽ có sự chênh lệch với lần kiểm tra trước. Nếu chỉ số TDS tại đây cao hơn thì bạn vẫn an tâm sử dụng nước uống, vì nước được bổ sung các ion có lợi.